Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Cafe Cung Tơ Chiều - một Đà lạt rất xưa và khác biệt

nho phai den doa
27K Lê Hồng Phong, Đà Lạt, Lâm Đồng


Lẽ ra tôi về Sài gòn từ chuyến xe 4 giờ chiều, nhưng nghe lời mấy học viên dụ dỗ: Thầy ở lại thêm một tối nữa đi, tụi em sẽ cho thầy thấy một Dà lạt khác hơn những gì thầy viết trong entry “Đà lạt …xa nhau” đó. Thế là tôi ở lại để khám phá thêm một góc nhỏ khác của Đà lạt, một nét riêng mà không nơi khác có được…Café Cung Tơ Chiều.
Đêm Đà lạt se lạnh, gió hun hút thổi trên những đồi thông quan con đường dẫn lên Dinh 3, và trên lưng chừng một quả đồi ấy, có một căn quán gỗ rất xinh, với vườn cây, với đèn lồng treo thấp thoáng. Không gian thật tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió reo, cùng tiếng nhạc rất mơ hồ và giọng hát liêu trai của Khánh Ly ru hồn người trong hoài niệm. Quán nhỏ chỉ đủ chứa hơn 30 khách, và cô chủ tên Giang cũng đưa ra qui tắc rất khác người “ Quí khách vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc và không dùng điện thoại”, mà tiếng nhạc thì đã rất nhỏ rồi, vì thế khách tới đây hầu như chỉ thì thầm tâm sự, trao đổi với nhau những hoài niệm trong những tình khúc rất xưa như Biển nhớ, cát bụi, Diễm xưa của Trịnh hay Ngày xưa…Hoàng thị, Những Đồi hoa sim của Phạm Duy…Quán chỉ có ánh sắt hắt hiu của những ngọn nến gắn trên vách gỗ và vài ngọn đèn lồng nho nhỏ, tất cả không gian huyền ảo nhưng ấm cúng ấy khiến người ta tưởng nhở tới một Đà lạt thật thanh bình và yên lặng của ngày xưa.
Rồi cô chủ xuất hiện, đó là một người phụ nữ ngoài 40, nhìn rất có cá tính với mái tóc bồng bềnh và điều thuốc trên môi. Nhìn những nét nhan sắc còn sót lại, có thể thấy cô cũng là một người tài hoa xuân sắc, nhưng chắc số phận cũng chẳng ưu đãi gì khi cô đi qua hai lần đò dang dở và bây giờ phải tự mình bươn chải lo tất cả cho mình và cho ba đứa con. Cô mời khách hát cùng, và ngồi xuống sân khấu gỗ nhỏ kê giữa quán, cất tiếng trầm khàn gần giống chất giọng của Khánh Ly pha lẫn Lê Uyên “Trong khi ta về lại nhớ ta đi…”.  Không micro, không dàn nhạc, chỉ tiếng ghi ta gỗ mộc mạc đệm cho giọng hát rất thật của cô, nhưng nghe thật thấm chất nhạc Trịnh..và tôi hiểu vì sao người ta gọi cô là Khánh Ly thứ hai vì quả thật tôi cũng có cảm giác như đang nghe Khánh Ly chân trần đứng hát giữa Đà lạt những năm 60. Liên tục những tình khúc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy được cô trình bày theo từng lời yêu cầu của khán giả, có khi cả chủ và khách cùng hòa giọng trong những điệp khúc quen thuộc. Một giờ đồng hồ ca hát cùng nhau trôi qua thật nhanh, khách ra về trong tâm trạng lưu luyến như chưa dứt được các kỷ niệm dấu yêu. Khách đa số là trung niên và những người cao tuổi, cũng có một số thanh niên yêu nhạc xưa, nhưng dù ở tuổi nào thì tất cả tới Cung tơ chiều đầu có một cảm giác như nhau: yên bình, thư thái và đầy hoài niệm.




Quả thật, Cung tơ chiều không chỉ đơn giản là một quán café, không phải là nơi kinh doanh như những phòng trà ca nhạc ở Sài gòn hay ở ngay Đà lạt ( bởi chỉ vài chục chỗ ngồi với giá nước đồng hạng 60.000 đ/ly thì cô chủ tên Giang không nghĩ tới chuyện làm giàu bằng cái quán này), mà nó là một nơi dành cho những ai yêu nhạc xưa, yêu không gian thanh bình tĩnh lặng của Dà lạt, yêu cuộc sống thoát  tục không bon chen lên đây chia sẻ cùng nhau những cảm xúc rất thật về mình về đời. Như chính cô chủ quản đã nói : “Tôi mở quán để cho khách được hát và tôi được hát những ca khúc bất hủ một thời, để mọi người cùng sống torng những kỷ niệm của một thời xưa cũ”. Và tôi rất mong quán sẽ tồn tại thật lâu, cho dù thời cuộc đổi thay, như cô chủ cũng nói khi có khách yêu cầu ca khúc Tôi ơi, đừng tuyệt vọng của Trịnh: “ mỗi khi tôi ngã, là tôi tự đứng dậy, không cần ai đỡ tôi hết…và tôi không bao giờ tuyệt vọng”. Mong sao một góc rất riêng, rất Đà lạt ấy sẽ được lưu giữ mãi để những ai yêu Đà lạt, yêu nhạc xưa có một nơi thưởng thức và trải lòng thật khác biệt và đúng chất Đà lạt xưa.

HÌNH ẢNH QUÁN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét